Nắm vững những thay đổi về tâm sinh lý của trẻ ở tuổi dậy và giáo dục con đúng cách

Bước vào tuổi dậy thì, trẻ sẽ bắt đầu có những biến đổi về cảm xúc và tâm sinh lý. Trong giai đoạn này, ba mẹ cần phải đặc biệt chú ý đến những thay đổi về tâm sinh lý của trẻ để đưa ra những phương pháp giáo dục phù hợp cho con

1. Đặc điểm tâm sinh lý của trẻ ở tuổi dậy thì 

Tuổi dậy thì được hiểu nôm na là khoảng thời gian trẻ bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý và cơ thể. Đặt dưới góc độ sinh học, tuổi dậy thì là thời kỳ trưởng thành của các hormone sinh dục, bé gái có sự xuất hiện kinh nguyệt và bé trai có sự phóng tinh lần đầu. 

1.1  Sự thay đổi về tâm sinh lý ở bé gái

Bước vào độ tuổi dậy dậy thì, các bé gái thường có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm sinh lý. Biểu hiện của trẻ bước vào tuổi dậy thì chính là sự phát triển kích thước vòng 1, nội tiết tố, cơ quan sinh dục và các chu kỳ kinh nguyệt. Ở giai đoạn này, tâm lý của trẻ thay đổi theo. Trẻ bắt đầu có sự chăm chút hơn về ngoại hình, có sự quan tâm đặc biệt với những người bạn khác giới.

Trong giai đoạn tuổi dậy thì, cảm xúc của các bé gái lên xuống thất thường, dễ dàng chuyển từ sự hưng phấn, vui vẻ sang cảm xúc buồn bã, thậm chí nổi nóng. 

Có thể thấy, đây đều là những biểu hiện tự nhiên của trẻ khi bước vào giai đoạn dậy thì. 

1.2 Sự thay đổi về tâm sinh lý ở bé trai

Do tác dụng của hormone sinh dục nam (testosteron) phối hợp với các hormone tăng trưởng khác, cơ thể của trẻ có nhiều thay đổi. Về mặt sinh lý, tuyến sinh dục của bé trai hoạt động mạnh mẽ, sản sinh ra tinh trùng và các bộ phận sinh dục khác cũng đồng thời phát triển.

Dưới sự tác động của các hormone, các bé trai thường có sự quan tâm nhiều hơn đến những bạn gái. Nhiều bạn còn có xu hướng muốn thể hiện mình trước mặt các bạn nữ.

Trước những thay đổi của tuổi dậy thì, các bé trai thường có phần hiếu động, khó bảo. Vì thế, ba mẹ cần phải có các biện pháp giáo dục phù hợp cho con trong giai đoạn này.

Xem thêm: Những biểu hiện thường gặp của trẻ ở tuổi dậy thì

2. Lời khuyên dành cho ba mẹ khi trẻ có sự thay đổi về tâm sinh lý tuổi dậy thì

Ở độ tuổi dậy thì, trẻ thường có sự thay đổi rõ rệt mặt tâm sinh lý: dễ cáu giận, ương bướng, thậm chí là nổi loạn. Việc giáo dục trẻ trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Bởi đây là giai đoạn có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trưởng thành của trẻ sau này. Vậy làm thế nào để giáo dục trẻ ở tuổi dậy thì? Sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ cho ba mẹ một số lời khuyên giúp con vượt qua sự “khủng hoảng” ở tuổi dậy thì.

2.1 Không nên bắt ép, áp đặt về mặt tâm lý với trẻ 

Nhiều người cho rằng, trẻ ở tuổi dậy thì thường có xu hướng nổi loạn nên cần phải quản thúc cẩn thận. Điều này là không sai. Nhưng bạn có biết không? Sự nổi loạn ấy chỉ cho thấy sự khủng hoảng về tâm lý của trẻ mà thôi. Ở độ tuổi này, con thích khám phá, trải nghiệm và làm những điều mình thích. Vì vậy, ba mẹ không nên quá áp đặt trẻ phải theo một khuôn mẫu nào cả. Thay vào đó, ba mẹ hãy là người đưa ra định hướng, hướng dẫn con thì sẽ tốt hơn nhiều.

2.2 Dành thời gian quan tâm, lắng nghe con trẻ

Trong giai đoạn của tuổi dậy thì, tâm lý của trẻ thường bất ổn và có phần nhạy cảm. Vì thế, cha mẹ cần phải thật khéo léo trong cách nuôi dạy con. Bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng, thái độ cởi mở, trẻ sẽ dễ mở lòng và chia sẻ những suy nghĩ của bản thân với ba mẹ. Trẻ là đối tượng non nớt, dễ bị tổn thương. Điều mà các con cần nhất chính là tình yêu thương, sự quan tâm của ba mẹ. 

2.3 Giải thích về những thay đổi về tâm sinh lý của trẻ ở tuổi dậy thì

Những thay đổi về tâm sinh lý của trẻ là hoàn toàn tự nhiên, là giai đoạn mà đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Ở tuổi dậy thì, hầu hết các con sẽ gặp phải sự khủng hoảng về tâm sinh lý. Cho nên, trong giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ rất cần đến sự chỉ bảo, lời khuyên của ba mẹ.  

Ba mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích và hướng dẫn con về những sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì. Ví dụ, sự xuất hiện kinh nguyệt, phát triển kích thước vòng 1 và 3 ở bé gái hay sự phát triển về cơ thể, các bộ phận sinh dục ở bé trai. Khi hiểu về sự thay đổi đó, trẻ sẽ không còn quá bất ngờ hoặc cảm thấy lo lắng.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy cho con các kiến thức về quan hệ tình dục với bạn khác giới, các loại bệnh có thể lây nhiễm qua đường tình dục và các cách bảo vệ cơ thể,…

2.4 Rèn cho trẻ suy nghĩ tích cực

Các bạn nhỏ ở tuổi dậy thì thường rất bị dụ dỗ, lôi kéo bởi những yếu tố không tốt bên ngoài. Cho nên, khi con chuẩn bị bước vào độ tuổi này, ba mẹ cần phải định hướng cho con về mọi thứ. Đặc biệt, ba mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại phim ảnh, trò chơi bạo lực hoặc các văn hóa phẩm đồi trụy...Hãy xây dựng cho trẻ lối tư duy tích cực, luôn hướng trẻ đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

2.5 Tạo cơ hội và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội

Tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức, hội nhóm sẽ giúp trẻ có cơ hội được giao lưu, kết nối với mọi người. Ngoài gia đình, những người bạn tốt cũng sẽ giúp trẻ có những nhận thức mới, cởi mở, chủ động hơn trong mọi công việc. Ba mẹ nên khuyến khích cho con tham gia các hoạt động này từ sớm. 

Tuổi dậy thì là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ. Ở trong giai đoạn này, phụ huynh cần phải nắm bắt những thay đổi về tâm sinh lý của trẻ và có những phương pháp giáo dục lối sống tích cực, rèn luyện tư duy, nhân cách cho trẻ sau này.